Cấu trúc Silo là một phương pháp kỹ thuật giúp tối ưu nội dung trên website theo một hệ thống được phân cấp khoa học. Cấu trúc được phân cấp từ một chủ đề hoặc cụm chủ đề chính, sau đó chúng được mở rộng ra thành các chủ đề nhỏ hơn có liên quan đến chủ đề chính, từ đó các nội dung chính và phụ được liên kết chặt chẽ với nhau.
Trong bài viết này hãy cùng Kiến Thức SEO tìm hiểu xem về cấu trúc Silo là gì? Phân loại và cả cách tạo ra cấu trúc Silo chuẩn SEO cho website nhé.
Cấu trúc Silo là gì?
Cấu trúc Silo là cách tổ chức nội dung website theo nhóm chủ đề có liên quan. Website được phân bổ nội dung theo kiểu quan hệ, từ các chủ đề cha sau đó tạo ra các chủ đề con có liên quan với chủ đề chính của website.
Đặc biệt cấu trúc Silo là tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các nội dung trong cùng một chủ đề, đồng thời giữ cho các chủ đề khác nhau tương đối độc lập. Điều này giúp tăng cường tính liên quan của từ khóa và cải thiện khả năng hiểu nội dung của công cụ tìm kiếm.
Giả sử, một website về thú cưng, các Topic của website đó có thể bao gồm như "Chăm sóc chó", "Dinh dưỡng cho mèo", "Sức khỏe thú cưng"..., Các mục này được gọi nôm na là Silo và mỗi Silo này sẽ chứa các bài viết liên quan đến chủ đề đó.
Lợi ích của cấu trúc Silo
Vì cấu trúc Silo là giúp tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các nội dung và có tính liên kết với chủ đề chính nên hiệu quả mà Silo mang lại rất nhiều những lợi ích dành cho website chuẩn SEO như sau:
- Tối ưu hóa từ khóa: Tập trung nội dung liên quan vào một Silo, phân bổ mật độ từ khóa một cách tự nhiên mà không cần nhồi nhét từ đó giúp tối ưu từ khoá.
- Cải thiện trải nghiệm người dùng: Cấu trúc rõ ràng giúp người đọc dễ dàng tìm thấy thông tin họ cần, tăng thêm thời lượng người dùng ở lại website.
- Tăng tính thẩm quyền cho chủ đề: Google sẽ nhận ra website là nguồn thông tin đáng tin cậy về các chủ đề cụ thể từ đó giúp thúc đẩy website hiển thị nhiều hơn.
- Liên kết nội bộ mạnh mẽ: Tạo điều kiện cho việc xây dựng hệ thống liên kết nội bộ logic và hiệu quả. Từ đó điều hướng người dùng tìm ra những thông tin liên quan nhanh chóng.
- Dễ dàng quản lý nội dung: Việc tổ chức nội dung theo chủ đề giúp cấu trúc nội dung dễ dàng được cập nhật và mở rộng trong tương lai.
Các loại cấu trúc Silo phổ biến
Hiện nay cấu trúc Silo được áp dụng và phân loại thành 2 dạng chính là:
Silo vật lý
Silo vật lý là cách tổ chức nội dung thông qua cấu trúc URL và thư mục của website.
Ví dụ:
| www.thucung.com/cho/
| -- www.thucung.com/cho/cham-soc-long/
| -- www.thucung.com/cho/thuc-an/
| www.thucung.com/meo/
| -- www.thucung.com/meo/do-choi/
Ưu điểm của Silo vật lý là tạo ra cấu trúc URL thân thiện với SEO và dễ hiểu đối với cả người dùng và công cụ tìm kiếm.
Silo ảo
Silo ảo được tạo ra thông qua chiến lược liên kết nội bộ mà không cần thay đổi cấu trúc URL. Đây là phương pháp linh hoạt hơn, đặc biệt hữu ích cho các website đã có sẵn hoặc các trang có nội dung động.
Trong Silo ảo, bạn tạo ra các trang chủ đề chính và liên kết chúng với các bài viết liên quan thông qua hệ thống menu, sidebar hoặc các liên kết trong nội dung.
Cách tạo cấu trúc Silo chuẩn SEO
Trước khi triển khai áp dụng vào website thì điều đầu tiên cần làm đó chính là xác định những chủ đề chính mà website muốn triển khai cũng như có kế hoạch xây dựng chủ đề đó trong tương lai.
Bước 1: Xác định nội dung chủ đề chính
- Nghiên cứu từ khóa: Sử dụng các công cụ như Google Keyword Planner, Ahrefs, SEMrush để tìm ra những từ khóa chính liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của bạn.
- Phân tích đối thủ cạnh tranh: Lập danh sách và kiểm tra các đối thủ cạnh tranh của website đang có ý định tổ chức nội dung và xác định những chủ đề có thể khai thác được.
Bước 2: Nhóm các chủ đề liên quan với nhau
- Tạo các danh mục chính: Chia các chủ đề chính thành các danh mục con cụ thể hơn. Ví dụ, nếu bạn có một website về thời trang, các danh mục chính có thể là "Quần áo nữ", "Quần áo nam", "Phụ kiện".
- Xây dựng cấu trúc phân cấp: Tạo một cấu trúc phân cấp rõ ràng cho các danh mục và trang con, giúp người dùng dễ dàng điều hướng.
Bước 3: Lập sơ đồ cấu trúc
- Sử dụng công cụ: Có nhiều công cụ trực quan giúp bạn tạo bản đồ cấu trúc, như MindMeister, Coggle, Miro...
- Trực quan hóa cấu trúc: Hiển thị các danh mục, trang con và mối quan hệ giữa chúng một cách rõ ràng.
Bước 4: Xây dựng nội dung chất lượng
- Tối ưu hóa nội dung cho từng trang: Sử dụng các từ khóa mục tiêu một cách tự nhiên và hợp lý trong tiêu đề, mô tả meta, tiêu đề phụ và nội dung chính.
- Liên kết nội bộ: Tạo các liên kết nội bộ giữa các trang trong cùng một Silo để tăng cường authority và giúp công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn về cấu trúc website.
Bước 5: Thường xuyên kiểm tra và theo dõi
- Theo dõi hiệu quả: Sử dụng Google Analytics để theo dõi hiệu suất của từng Silo và thực hiện các điều chỉnh cần thiết.
- Cập nhật nội dung: Thêm nội dung mới thường xuyên để giữ cho website luôn tươi mới và hấp dẫn.
So sánh cấu trúc Silo và Topic Cluster
Cấu trúc Silo và Topic Cluster đều là những cách tổ chức nội dung website hiệu quả. Tuy nhiên, cả 2 lại có một số điểm khác biệt cần nên làm rõ:
- Về cấu trúc: Silo có cấu trúc tập trung hơn, với một chủ đề chính và các bài viết con liên quan. Topic Cluster linh hoạt hơn, với nhiều chủ đề liên quan được kết nối với nhau.
- Về mục tiêu: Silo tập trung vào việc tăng thứ hạng cho các từ khóa chính. Topic Cluster tập trung vào việc cung cấp thông tin toàn diện cho người dùng.
Những lỗi thường gặp ở cấu trúc Silo
Nội dung trùng lặp: Các trang trong cùng một Silo có nội dung quá giống nhau, khiến Google khó phân biệt được trang nào quan trọng hơn.
Liên kết nội bộ không hợp lý: Các liên kết nội bộ không được phân bổ đều, hoặc trỏ đến các trang không liên quan.
Xác định từ khoá chưa đúng: Các từ khóa được sử dụng không đủ cụ thể hoặc quá chung chung.
Cấu trúc URL không logic: Cấu trúc URL quá phức tạp hoặc không phản ánh đúng nội dung trang.
Thiếu nội dung chất lượng: Nội dung trong Silo không đủ hấp dẫn và hữu ích cho người dùng.
Lời kết
Cấu trúc Silo là một yếu tố quan trọng trong SEO Onpage, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng và tăng cường khả năng xếp hạng của website. Đặc biệt, tổ chức nội dung một cách hợp lý và logic sẽ giúp công cụ tìm kiếm như Google hiểu rõ hơn về website và xếp hạng website lên những vị trí top đầu trong kết quả tìm kiếm.